Đảm bảo nước bạn uống là nước sạch và không bị ô nhiễm.
Cơ thể bạn mất nước qua đêm, sẽ không có gì thắc mắc khi bạn tỉnh dậy và khát. Nhiều người vì vậy hay có thói quen để sẵn một cốc, hoặc chai nước ở đầu giường từ tối hôm trước. Nhưng liệu tiện tay uống nước đã để qua đêm như vậy sẽ an toàn?
Bài viết dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời và lời khuyên tốt nhất:
1. Nước trong cốc không nắp đậy
Nhiều khi, uống một cốc nước bạn lại thấy vị chua. Khả năng cao nó đã được để qua đêm hoặc quá lâu ngoài không khí. Nước hấp thụ các khí có tính axit trong môi trường, điển hình là CO2 để tạo thành axit cacbonic (H2CO3). Nó sẽ khiến độ pH của nước giảm, gây vị chua.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học cho biết sự ảnh hưởng này không gây hại đến sức khỏe. Thứ gây nguy hiểm trong một cốc nước không nắp đến từ nguyên nhân khác, vấn đề vệ sinh.
Khi một cốc nước được để qua đêm trong cốc, nó chắc chắn sẽ không được sạch. Bụi bẩn lắng đọng là thứ mà bạn có thể thấy trên bề mặt nước. Nhiều khi, cốc nước còn được “ghé thăm” bởi những con muỗi và côn trùng.
Một cốc nước để trong phòng nhiều ngày có thể thấy rõ lớp váng. Một điều chắc chắn rằng bạn sẽ không muốn uống chúng.
Tóm lại: Nước phơi ngoài không khí sẽ giảm độ pH, có nguy cơ cao bị ô nhiễm. Bạn không nên uống nước trong cốc đã để qua đêm khi không đậy nắp.
2. Nước trong cốc, bình uống trực tiếp có nắp đậy
Một cốc có đậy nắp hoặc một bình uống trực tiếp sẽ giúp bạn yên tâm hơn? Có, nhưng chúng vẫn chưa thể khiến các chuyên gia hài lòng. Trong khi nước trong bình kín được cách ly với những tác nhân ngoài không khí, vẫn có một nguồn gây ô nhiễm mà ít người ngờ tới: đó là chính bản thân bạn.
Làn da của mỗi chúng ta được bao phủ bởi mồ hôi, bụi bẩn, tế bào chết và thậm chí là nước mắt, nước mũi… Môi và miệng của bạn không nằm ngoài khu vực ảnh hưởng. Khi bạn uống nước, những tác nhân sẽ trôi ngược trở lại trong bình và gây ô nhiễm.
Chúng sẽ mang theo một lượng vi khuẩn, mà ngay cả nước bọt của bạn cũng có vi khuẩn. “Nếu vi khuẩn được ủ trong nhiều giờ, tiềm năng chúng sẽ gây ô nhiễm nước và làm bạn bị ốm”, bác sĩ Marc Leavey, một chuyên gia tại Trung tâm y tế Marcy ở Massachusetts nói.
Bởi vậy, bạn không nên chủ quan với nước để lâu ngày, ngay cả khi chúng được đựng trong bình kín. “Một khi bạn đã đặt môi mình vào chai [chai nhựa dùng 1 lần], bạn nên uống hết nước trong 1 lần rồi sau đó vứt chúng ngay”, bác sĩ Leavey nói. Trong trường hợp một bình đựng nước cá nhân, bạn nên vệ sinh chúng thường xuyên nhất có thể.
Đặc biệt, không bao giờ nên uống chung chai, cốc với người khác. Những vi khuẩn của riêng bạn chưa chắc đã gây hại, bởi vậy nhiều người có thể chẳng bao giờ vệ sinh chai nước của họ mà vẫn chưa bị nhiễm bệnh.
Nhưng trong trường hợp bạn uống chung chai, cốc nước với người khác, những vi khuẩn ngoại lai không đến từ cơ thể bạn sẽ dễ gây bệnh hơn.
Tóm lại: Nước để qua đêm trong cốc, bình kín sạch có thể uống được, nhưng phải đảm bảo 3 điều kiện: bạn vệ sinh bình thường xuyên, nước đã không ở đó quá lâu và bạn không dùng chung cốc, bình với người khác.
3. Nước trong chai nhựa
Nước trong chai nhựa để qua đêm chia sẻ chung các đặc điểm với nước trong một bình kín. Tuy nhiên, nó cũng có các vấn đề riêng để chúng ta xem xét.
Một số loại chai nhựa chứa hóa chất độc hại, chẳng hạn như BPA có thể ngấm vào nước, đặc biệt là khi chúng ta để chai nhựa tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nghiên cứu chỉ ra BPA ảnh hưởng xấu tới não bộ và hành vi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bề mặt nhựa cũng là một môi trường lý tưởng giúp vi khuẩn phát triển. Qua quá trình sử dụng, chai nhựa bị xước sẽ tạo ra những ổ cho vi khuẩn cư trú và sinh sản. Càng dùng chai nhựa trong thời gian dài, nước trong đó càng dễ nhiễm bẩn.
Bởi vậy, chắc chắn một điều rằng bạn sẽ không bao giờ bơm nước lại các chai nhựa dùng một lần để tái sử dụng chúng theo cách này. Một số người còn hay có thói quen để chai nước trong ô tô và đậu xe ngoài nắng. Điều này khiến nhiệt độ nước tăng cao, cũng giúp vi khuẩn trong chai nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Tóm lại: Chai nhựa có thể chứa chất hóa học gây hại. Bạn đặc biệt không nên để chúng dưới nắng, không bơm nước để tái sử dụng các chai nhựa dùng một lần.
4. Kết luận
Bù nước là một điều quan trọng với cơ thể. Uống một cốc nước ấm mỗi khi thức dậy thậm chí còn được coi là bí quyết trường thọ của người Nhật Bản.
Có rất nhiều lợi ích đến từ việc uống nước khi thức dậy. Nó bổ sung lượng nước bị mất trong giấc ngủ, bài tiết chất độc, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, sản sinh tế bào máu và cơ bắp…
Tuy nhiên, hãy đảm bảo nước bạn uống là nước sạch và không bị ô nhiễm bởi các tác nhân gây bệnh.
Trong trường hợp tốt nhất, bạn hãy trữ nước trong bình kín, đặt trong chỗ mát và vệ sinh nó thường xuyên. Khi uống nước hãy rót ra cốc chứ đừng uống trực tiếp từ bình. Nước như vậy hoàn toàn có thể uống được sau 1 đêm, nhưng bạn cũng không nên để quá nhiều ngày, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển.
Tham khảo: Genk.vn / Reader’sDegist