PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã có những chia sẻ với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam
Thưa PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, ông đánh giá như thế nào về vấn đề thu gom xử lý nước thải tại các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay? Trong 5 năm qua, chúng ta đã đạt được những kết quả, bước tiến nào và còn những bất cập tồn tại gì?
Trước tiên, về cơ chế chính sách, luật và các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định về vấn đề xử lý nước thải đang dần hoàn thiện. Đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 80/2014 mang tính chất tổng hợp xuyên suốt quá trình quản lý thoát nước và xử lý nước thải từ Trung ương đến địa phương. Chúng ta đã thực hiện tốt các Nghị định này và có những bước chuyển biến nhất định.
Trong thực hiện còn một số khó khăn. Chúng ta đều biết việc thoát nước và xử lý nước thải phải là trách nhiệm của chính quyền đô thị, chính quyền các địa phương. Chính quyền các địa phương quan tâm thì vấn đề thoát nước và xử lý nước thải mới cải thiện. Chúng ta cần quan tâm việc phân bổ nguồn vốn, tuyên truyền đến cộng đồng, xây dựng lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước.
Các đô thị ở Việt Nam, xử lý nước là hệ thống chung dẫn nước mưa và nước thải. Nhưng số lượng nhà máy xử lý nước thải rất ít khoảng 37 nhà máy, công suất xử lý chỉ trên dưới 1 triệu m3/ngày đêm. Nếu so với nhu cầu cần phải xử lý chỉ đạt từ 12 đến 15% nước thải xả ra. Như vậy, còn khoảng trên 80% nước thải xả trực tiếp ra môi trường và đây là một nguồn gây ô nhiễm.
Tại một số khu công nghiệp, việc thu gom xử lý nước thải vẫn chưa được quan tâm khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy theo ông giải pháp cho vấn đề này cần thực hiện ra sao?
Theo số liệu của chúng tôi đến tháng 8/2017, cả nước có 327 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với diện tích khoảng 94 nghìn ha. Trong đó có 223 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đang ở mức 51%. Phải nói rằng các KCN khi đầu tư xây dựng từ khi quy hoạch đã có khu xử lý nước thải và mạng lưới thu gom nước thải. Trong 223 KCN đi vào hoạt động có 193 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đạt 86,5%.
Một vấn đề đặt ra là 193 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên công suất lại khác nhau, từ 1.000 đến 5.000 m3/ngày đêm. Nước thải ở KCN phần lớn là nước thải nguy hại, nếu chúng ta không tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các khu công nghiệp cũng như hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải thì đó là một vấn đề gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn.
Hiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… cũng đã đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải nhưng tình trạng nước thải không qua xử lý xả thải ra môi trường vẫn còn nhiều. Liệu có cần tăng chế tài xử phạt và chúng ta phải có giải pháp ra sao để giải quyết bài toán này?
Các thành phố lớn hiện nay được Trung ương và địa phương đầu tư quan tâm xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cho xây dựng mạng lưới thu gom cũng như xây dựng nhà máy xử lý nước thải vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn vốn vay ODA, nó dẫn đến việc tốc độ đầu tư và tốc độ xây dựng các nhà máy và hệ thống thu gom rất chậm.Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… cũng đã đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải nhưng tình trạng nước thải không qua xử lý xả thải ra môi trường vẫn còn nhiều (Ảnh minh họa).
Thực trạng cho thấy, cứ đến mùa mưa, Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn xảy ra tình trạng ngập úng. Vậy thách thức lớn nhất cho ngành cấp thoát nước và xử lý nước thải là gì? Cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải tại các đô thị lớn cần được đầu tư thêm không, thưa ông?
Việc TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn hiện bị ngập, đặc biệt là các đô thị ở vùng cao nguyên hay miền núi không phải là hiếm. Các nguyên nhân muôn thuở như khả năng thoát nước không tốt, nguồn vốn thiếu…
Ngoài các nguyên nhân trên, thì biến đổi khí hậu làm thay đổi rất nhiều tính toán của chúng ta từ trước. Bây giờ, trong việc tính toán thoát nước chúng ta phải nhận thức lại. Từ trước chúng ta tính toán làm sao thoát nước càng nhanh càng tốt nhưng bây giờ chúng ta quan điểm thoát nước bền vững thoát nước an toàn, tức là làm chậm dòng chảy lại nếu có thể.
Thoát nước bền vững thì chúng ta làm chậm dòng chảy lại và phải từ câu chuyện quy hoạch đô thị. Chúng ta tận dụng các khu vực bãi cỏ thảm hoa, tòa nhà xanh, những địa điểm thuận lợi xây dựng bể chứa nước để làm chậm dòng chảy. Nếu chúng ta làm tốt trong thoát nước bền vững thì chúng ta cũng sẽ tiết kiệm trong đầu tư.
Theo ông, Nhà nước cần phải làm gì để tháo gỡ những khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư, huy động tài chính để phát triển hệ thống cấp thoát nước, hạ tầng xử lý nước thải hiện nay?
Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta phải rà soát lại các văn bản không đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Thứ hai, về tiêu chuẩn quy chuẩn nhà nước cũng phải quan tâm hơn, vì đây là những công cụ giúp đỡ cho các cơ quan giám sát kiểm tra việc xây dựng dự án đầu tư theo dự án, kiểm tra chất lượng xây dựng công trình, kiểm tra về xả thải.
Thứ ba, việc áp dụng khoa học công nghệ 4.0, các vật tư thiết bị ngành nước ngày càng phải chú trọng, trong cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát.
Thứ tư, chúng ta phải phát huy vai trò của chính quyền địa phương. Cuối cùng, là sự tham gia của người dân trong các hoạt động có liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng quản lý vận hành khai thác với vai trò của người dân có đóng góp rất quan trọng.
Địa phương cần thu hút nguồn lực
“Trong 5 năm qua, chúng ta có nhiều bước tiến, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh, thế nhưng việc thoát nước và xử lý nước thải sử dụng vốn trong thời gian vừa qua vốn ODA là chủ yếu. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn này càng ngày càng khó khăn với những yêu cầu cao hơn.
Tôi cho rằng các địa phương cần phải chủ động hơn sử việc dụng đồng vốn của mình hoặc kêu gọi xã hội hóa để đầu tư. Anh sử dụng các cơ chế chính sách, ban hành cơ chế thu hút các nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực này”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nói.
Theo Báo điện tử Môi trường và Đô thị